CÁCH TÍNH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN LƯƠNG NET

CÁCH TÍNH THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN LƯƠNG NET

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC (đã được sửa đổi tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC) thì cá nhân nhận lương sau thuế (lương Net) thì khi tính số thuế TNCN phải nộp cần quy đổi ra thu nhập trước thuế (gross-up)

Xem thêmCách tính thuế TNCN năm 2022

Vì lương này  không bao gồm thuế nên phải quy đổi thu nhập không bao gồm thuế thành thu nhập tính thuế theo Phụ lục số 02/PL-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 111/2013/TT-BCTC  để xác định thu nhập chịu thuế. Như sau:

BẢNG QUY ĐỔI
THU NHẬP KHÔNG BAO GỒM THUẾ RA THU NHẬP TÍNH THUẾ

(đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công)

Thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế là thu nhập thực nhận (không bao gồm thu nhập được miễn thuế) cộng (+) các khoản lợi ích do người sử dụng lao động trả thay cho người lao động (nếu có) trừ (-) các khoản giảm trừ.

Trường hợp người sử dụng lao động áp dụng chính sách “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định” thì thu nhập làm căn cứ quy đổi thành thu nhập tính thuế không bao gồm “tiền thuế giả định”, “tiền nhà giả định”.

Trường hợp trong các khoản trả thay có tiền thuê nhà thì tiền thuê nhà tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi bằng số thực trả nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện, nước và các dịch vụ kèm theo thực tế phát sinh, “tiền nhà giả định” (nếu có)).

Công thức xác định thu nhập làm căn cứ quy đổi:

Thu nhập làm căn cứ quy đổi = Thu nhập thực nhận (1) + Các khoản trả thay (2) – Các khoản giảm trừ (3)

Trong đó:

Trong đó:

(1) Thu nhập thực nhận là tiền lương, tiền công không bao gồm thuế mà người lao động nhận được hàng tháng (không bao gồm thu nhập được miễn thuế).

(2) Các khoản trả thay là các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền do người sử dụng lao động trả cho người lao động theo hướng dẫn tại điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 11 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

Cụ thể đó là các khoản sau:

đ) Các khoản lợi ích bằng tiền hoặc không bằng tiền ngoài tiền lương, tiền công do người sử dụng lao động trả mà người nộp thuế được hưởng dưới mọi hình thức:

đ.1) Tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có), không bao gồm: khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động.

Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.

Khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.

đ.2) Khoản tiền do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm; mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện hoặc đóng góp Quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động mua cho người lao động sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm (kể cả trường hợp mua bảo hiểm của các doanh nghiệp bảo hiểm không thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam được phép bán bảo hiểm tại Việt Nam) thì khoản tiền phí mua sản phẩm bảo hiểm này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Bảo hiểm không bắt buộc và không có tích lũy về phí bảo hiểm gồm các sản phẩm bảo hiểm như: bảo hiểm sức khoẻ, bảo hiểm tử kỳ (không bao gồm sản phẩm bảo hiểm tử kỳ có hoàn phí), … mà người tham gia bảo hiểm không nhận được tiền phí tích lũy từ việc tham gia bảo hiểm, ngoài khoản tiền bảo hiểm hoặc bồi thường theo thoả thuận tại hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm trả.

đ.3) Phí hội viên và các khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân theo yêu cầu như: chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, thể thao, giải trí, thẩm mỹ, cụ thể như sau:

đ.3.1) Khoản phí hội viên (như thẻ hội viên sân gôn, sân quần vợt, thẻ sinh hoạt câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…) nếu thẻ có ghi đích danh cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng. Trường hợp thẻ được sử dụng chung, không ghi tên cá nhân hoặc nhóm cá nhân sử dụng thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

đ.3.2) Khoản chi dịch vụ khác phục vụ cho cá nhân trong hoạt động chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí thẩm mỹ… nếu nội dung chi trả ghi rõ tên cá nhân được hưởng. Trường hợp nội dung chi trả phí dịch vụ không ghi tên cá nhân được hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế.

đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:

đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

đ.4.3) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức quốc tế, các văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài: mức khoán chi thực hiện theo quy định của Tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài.

đ.5) Đối với khoản chi về phương tiện phục vụ đưa đón người lao động từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại thì không tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo quy chế của đơn vị.

đ.6) Đối với khoản chi trả hộ tiền đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động phù hợp với công việc chuyên môn, nghiệp vụ của người lao động hoặc theo kế hoạch của đơn vị sử dụng lao động thì không tính vào thu nhập của người lao động.

đ.7) Các khoản lợi ích khác.

Các khoản lợi ích khác mà người sử dụng lao động chi cho người lao động như: chi trong các ngày nghỉ, lễ; thuê các dịch vụ tư vấn, thuê khai thuế cho đích danh một hoặc một nhóm cá nhân; chi cho người giúp việc gia đình như lái xe, người nấu ăn, người làm các công việc khác trong gia đình theo hợp đồng…

(3) Các khoản giảm trừ bao gồm: giảm trừ gia cảnh; giảm trừ đóng bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện; giảm trừ đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học theo hướng dẫn tại Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và Điều 15 Thông tư số 92/2015/TT-BTC.

Ví dụ 1: Năm 2021, theo hợp đồng lao động ký giữa Ông D và Công ty Kế toán Thu Ngân thì Ông D được trả lương hàng tháng là 31,5 triệu đồng, ngoài tiền lương Ông D được Công ty kế toán Thiên Ưng  trả thay phí hội viên câu lạc bộ thể thao 1 triệu đồng/tháng. Ông D phải đóng bảo hiểm bắt buộc là 2,5 triệu đồng/tháng. Công ty kế toán Thu Ngân chịu trách nhiệm nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định thay cho ông D. Trong năm Ông D chỉ tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, không có người phụ thuộc và không phát sinh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học.

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng của Ông D như sau:
– Thu nhập làm căn cứ quy đổi là:

31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng – (11 triệu đồng + 2,5 triệu đồng) = 19 triệu đồng

– Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:

(19 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 21.687.500đ

– Thuế thu nhập cá nhân Ông D phải nộp (áp dụng cách tính thuế rút gọn theo Phụ lục số 01/PL-TNCN) là:

21.687.500 × 20% – 1,65 triệu đồng = 2.687.500 đồng

Ví dụ 2: Giả sử ông D tại ví dụ 1 nêu trên còn được Công ty kế toán Thu Ngân trả thay tiền thuê nhà là 6 triệu đồng/tháng. Thuế thu nhập cá nhân phải nộp hàng tháng của Ông D như sau:

Bước 1: Xác định tiền thuê nhà trả thay được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi

– Thu nhập làm căn cứ quy đổi (không gồm tiền thuê nhà):

31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng – (11 triệu đồng + 2,5 triệu đồng) = 19 triệu đồng

– Thu nhập tính thuế (xác định theo Phụ lục số 02/PL-TNCN) là:

(19 triệu đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 21.687.500 đồng

– Thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):

21.687.500 đồng + 11 triệu đồng + 2,5 triệu đồng = 35.187.500 đồng/tháng

– 15% Tổng thu nhập chịu thuế (không gồm tiền thuê nhà):

35.187.500 đồng × 15% = 5.278.125 đồng/tháng

Vậy tiền thuê nhà được tính vào thu nhập làm căn cứ quy đổi là 5.278.125 đồng/tháng

Bước 2: Xác định thu nhập tính thuế

– Thu nhập làm căn cứ để quy đổi thành thu nhập tính thuế:

31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5.278.125 đồng – (11 triệu đồng + 2,5 triệu đồng) = 24.278.125 đồng/tháng

– Thu nhập tính thuế (quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN):

(24.278.125 đồng – 1,65 triệu đồng)/0,8 = 28.285.156 đồng/tháng

– Thuế thu nhập cá nhân phải nộp:

28.285.156 đồng × 20% – 1,65 triệu đồng = 4.007.031 đồng/tháng

– Thu nhập chịu thuế hàng tháng của ông D là:

31,5 triệu đồng + 1 triệu đồng + 5.278.125 đồng + 4.007.031 đồng = 41.785.156 đồng/tháng

Hoặc xác định theo cách:

28.285.156 đồng + 11 triệu đồng + 2,5 triệu đồng = 41.785.156 triệu đồng/tháng.

b) Trường hợp cá nhân thuộc diện quyết toán thuế theo quy định thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế của từng tháng được xác định trên cơ sở thu nhập tính thuế đã quy đổi. Trường hợp cá nhân có thu nhập không bao gồm thuế từ nhiều tổ chức trả thu nhập thì thu nhập chịu thuế của năm là tổng thu nhập chịu thuế từng tháng tại các tổ chức trả thu nhập trong năm.

Ví dụ 3: Giả sử Ông D tại ví dụ 2 nêu trên, ngoài thu nhập tại Công ty kế toán Thu Ngân, từ tháng 01/2021 đến tháng 5/2021 ông còn có hợp đồng nhận thu nhập tại công ty Y là 12 triệu đồng/tháng. Công ty Y cũng trả thay thuế thu nhập cá nhân cho Ông D.

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân của ông D năm 2021 như sau:
– Tại công ty X, thu nhập chịu thuế năm của ông D là:

41.785.156 đồng x 12 tháng = 501.421.875 đồng

– Tại công ty Y:
+ Thu nhập tính thuế hàng tháng (quy đổi theo Phụ lục số 02/PL-TNCN):

(12 triệu đồng – 0,75 triệu đồng)/0,85 = 13,235 triệu đồng

+ Thu nhập chịu thuế năm tại công ty Y:

13,235 triệu đồng x 5 tháng = 66,175 triệu đồng

– Tổng thu nhập chịu thuế của ông D năm 2021:

501.421.875 đồng + 66, 175 triệu đồng = 567.596.875 đồng

– Thu nhập tính thuế tháng:

(567.596.875 đồng : 12 tháng) – (11 triệu đồng + 2,5 triệu đồng) = 33.799.740 đồng

– Thuế Thu nhập cá nhân phải nộp trong năm:

(33.799.740 đồng × 25% – 3,25 triệu đồng) × 12 tháng = 62.399.219 đồng.

CÔNG TY KẾ TOÁN THU NGÂN

chuyên dạy thưc hành kế toán thực tế

KẾ TOÁN THU NGÂN

Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ & Đào Tạo Thu Ngân

ĐC: Phố Mới – Tiêu Sơn – Tương Giang – Từ Sơn – Bắc Ninh

Zalo/ĐT: 0854.800.986 – 08.5353.8686

Website: http://www.congtythungan.com

Email: congtythungan2006@gmail.com

Bài Viết Liên Quan